Một số hình ảnh hoạt động của trường THCS Vĩnh Thịnh.
Thắp sáng ước mơ trường THCS Vĩnh Thịnh
Người viết: Nguyễn Viễn Đông, Giáo viên Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.Tôi là một giáo viên dạy học. Khi rời khỏi mái trường sư phạm thân yêu với bốn năm miệt mài đèn sách, tôi được phân công giảng dạy ở một vùng quê ven biển nghèo khó thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu. Một vùng quê thuộc diện nghèo nhất tỉnh, một vùng quê đang được nhà nước trợ cấp cho chương trình 135: chương trình hỗ trợ cho những vùng đặc biệt khó khăn. Ở vùng quê đó, có biết bao mảnh đời mà suốt cuộc đời họ không biết phải làm như thế nào để thoát khỏi cảnh nghèo khổ. Trong tất cả những mảnh đời nghèo khó đó có vô vàn những ước mơ, những hoài bão bình dị. Trong đó có những ước mơ, hoài bão của những đứa học trò nghèo. Có một mảnh đời, có một ước mơ, có một hoài bão mà trong gần mười năm giảng dạy tôi thấy mình thao thức, trằn trọc, suy nghĩ và cả những nổi băn khoăn: “Liệu rồi em có tiếp tục bám trường, bám lớp để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình nữa không ? ” Em ấy tên là: Tôn Thị Hải Yến, học sinh lớp 7A trường Trung học Cơ Sở Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu (năm học 2010-2011)
Căn nhà gia đình 4 con người đang sinh sống của em Tôn Thị Hải Yến
Tôi đến thăm em vào một buổi chiều mưa đầu tháng tám.Tháng mà tất cả những bạn cùng trang lứa với em đang nô nức chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất bước vào năm học mới, năm học 2010 – 2011. Vậy mà em vẫn còn ngồi đó bên cạnh rổ rau muống đã hư quá nửa trong một căn nhà tồi tàn có thể đổ sập bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Lòng tôi se lại khi quan sát toàn bộ ngôi nhà mà bốn con người đang sinh sống. Một căn bếp với vật dụng nấu ăn là những soong, chảo lấm lem đất và lọ. Em đang chuẩn bị buổi cơm chiều muộn màng với đĩa rau muống luộc, bên cạnh vài ba con tôm kho mặn và một nồi cơm mà theo tôi không thể nào cả gia đình em được no lòng. Hàng ngày em phải ở nhà phụ giúp gia đình với những công việc mà đáng lẽ ra chỉ dành cho người lớn. Công việc học hành lúc này là điều sa xỉ với em. Bước lên nhà trước, trong nhà không có vật dụng gì có giá trị ngoài chiếc TV đã cũ. Đó là phương tiện nghe nhìn duy nhất để em và gia đình giải trí trong những lúc rảnh rỗi. Nhưng xem ra thời gian rảnh rỗi của em và gia đình cũng chẳng được là bao nhiêu. Bàn học tập của em là bộ ngựa gỗ và một cái ghế nhựa duy nhất đã cũ nát. Trên đó là có một số vật dụng học tập như: viết, thước và một vài quyển tập trắng mà em được khen thưởng trong năm học vừa qua. Sắp đến ngày tựu trường rồi nhưng hiện giờ em vẫn không có tiền mua bộ sách giáo khoa để phục vụ cho việc học tập sắp tới. Nhìn hoàn cảnh của em, tôi chực rơi nươc mắt khi đâu đó trong những học sinh của mình có những em phung phí vứt bỏ những cuốn sách giáo khoa mà gần đến những năm học mới em luôn luôn ao ước mình có tiền để mua nó. Nhìn lên vách nhà tôi thấy có hai bộ quần áo được treo cẩn thận. Hỏi ra thì tôi được biết đó là hai bộ đồ mà dì của em cho để năm nay đi học. Đối với những em học sinh khác, năm học mới là các em được cha mẹ mua cho những bộ quần áo mới, những vật dụng học tập mới nhưng riêng em thì người dì cũng có cùng hoàn cảnh nhưng có lẽ khá hơn giúp cho . Nhưng hai bộ quần áo đó cũng không được trắng trẻo như những bộ quần áo của chúng bạn mà nó đã xỉn màu. Nó có lẫn màu sình đất của những người dân lao động, chân lấm tay bùn. Tôi đang hỏi em một số việc thì cha mẹ của em về. Trên đôi quang gánh của mẹ em vẫn còn đôi bó rau héo và vài con cá vẫn bán chưa hết. Bỏ cây dá đào đất xuống, cha em thở dài một cách mệt nhọc: “ Như vậy là hôm nay không mua được kí gạo nào cho mấy đứa nhỏ nữa rồi” - Cha em nói. Hàng ngày mẹ em phải đi vào rẫy cân rau cải và vào những nhà có nuôi cá cân về bán. Cha em thì đào đất hoặc sên sình mướn cho các chủ vuông tôm kiếm tiền lo cho cuộc sống hàng ngày và lo cho em đi học. Nhưng xem ra với nghề nghiệp và gia đình em không có ruộng đất canh tác như thế thì cơ hội được tiếp tục đến trường của em là rất mong manh. Trên nền đất mà gia đình em đang sinh sống cũng không phải là của cha, mẹ em mà là của một người họ hàng xa cho mượn, và người họ hàng ấy có thể lấy lại bất cứ lúc nào.
Trên tấm ngựa gổ, em Yến đang học bài chuẩn bị đến lớp
Tôi hỏi em: “ Em có muốn đi học nữa không ?”. Em rưng rưng nước mắt: “ Em rất muốn đi học Thầy ơi!”. Không biết tự bao giờ nước mắt tôi cũng rơi theo em. Từ giã gia đình em, tôi ra về mà lòng ngổn ngang bao nổi suy tư về thân phận của những em học sinh có hoàn cảnh tương tự như em. Vậy mà với hoàn cảnh như vậy, em đạt được danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến nhiều năm học liền. Theo tôi đây là một tấm gương vượt khó học tốt để cho các học sinh khác noi theo.
Những tấm giấy khen qua các năm học của em Yến
Sau đó một tuần em đến trường và vẫn tiếp tục đi học bằng sự giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân, chính quyền ở địa phương, các hội từ thiện của thành phố Hồ Chí Minh, cùng các thầy cô trường Trung học Cơ Sở Vĩnh Thịnh và bạn bè. Như vậy là ước mơ được đi học, học thật giỏi để giúp cha mẹ thoát khỏi cảnh nghèo khổ, ước mơ được trở thành một bác sĩ để xung quanh em không còn những người bệnh tật được nhen nhóm trở lại trong một tâm hồn trẻ thơ nhưng rất đổi thánh thiện. Nhìn dáng em nhỏ nhắn trên chiếc xe đạp, nụ cười tươi tắn hớn hở trên đường đi học cùng với bạn bè dưới ánh nắng rực rỡ của mùa thu, tôi hy vọng nụ cười ấy, niềm hy vọng ấy luôn theo em trên suốt cuộc đời.
Cách học từ vựng môn Tiếng Anh của em
Lý Hồng Em @ 21:04 16/01/2012
Số lượt xem: 1371

Trở về
Điều thực hiện (ươm mần) Hình trong code thầy cô trang trí trang mình.